(VNF) - Sự sụp đổ của Hanjin Shipping, hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 7 thế giới, sẽ khiến nhiều doanh nghiệp Việt đứng ngồi không yên.
Sự sụp đổ của Hanjin Shipping, tập đoàn vận tải biển khổng lồ của Hàn Quốc, đã khiến ngành vận tải biển thế giới rơi vào hỗn loạn, gây ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển của các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài "tâm bão".
Hơn nửa triệu container đang mắc kẹt
Ngày 31/8/2016, Văn phòng đại diện của hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã ra thông báo về việc dừng không nhận booking hàng hóa mới kể từ ngày 31/8/2016. Việc đệ đơn phá sản của hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) đã, đang và sẽ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Ra đời năm 1977, Hanjin Shipping Co. Ltd là công ty trực thuộc Hanjin Group – một trong những tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Đây là công ty vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc và cũng là một trong 10 công ty lớn nhất thế giới xét theo công suất.
Hiện Hanjin có hàng trăm con tàu, trong đó có 61 tàu chở container cỡ lớn vận chuyển hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Với 230 chi nhánh ở 60 nước trải rộng từ Mỹ, châu Âu đến châu Á, Hanjin Shipping có khoảng 5.000 nhân viên.
Các ngân hàng đã từ chối cung cấp hỗ trợ tài chính cho Hanjin Shipping sau khi công ty này thua lỗ triền miên. Trong quý I vừa qua, Hanjin Shipping báo lỗ ròng 261,1 tỷ won (tương đương 233,6 triệu USD) trên doanh thu 1.590 tỷ won. 5 năm trước đó cũng là quãng thời gian thua lỗ. Nguyên nhân mà hãng đưa ra là do giá cước vận tải biển rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Khi Hanjin tuyên bố phá sản, còn khoảng 540.000 container hàng hóa vẫn đang mắc kẹt. Sự việc lại diễn ra vào chính thời điểm sôi động nhất hằng năm của hoạt động vận tải biển toàn cầu nhằm vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các kỳ nghỉ cuối năm.
Vụ phá sản của Hanjin Shipping có thể là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới. Tuy chỉ nắm 2,9% thị phần vận tải biển toàn cầu - một thị phần không hề lớn, có thể dễ dàng được các hãng vận tải khác thay thế - nhưng những gì đang xảy ra với Hanjin đã gây ra nhiều lo ngại về những rắc rối thương mại cũng như tương lai của ngành vận tải.
Trên thực tế, đây là lần đầu tiên một hãng tàu biển lớn trên thế giới tuyên bố phá sản khiến các doanh nghiệp lo lắng. Hiện chưa rõ vụ việc sẽ được xử lý như thế nào và cũng chưa có tiền lệ để so sánh về quy mô sự việc.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng mất ăn mất ngủ về sự kiện này, các cảng biển thì lo sợ không ai trả chi phí phục vụ tại cảng nên đã không cho các tàu hàng của Hanjin cập cảng hay bốc dỡ hàng hóa. Theo đó, các tàu hàng của Hanjin sẽ không được hoạt động cho đến khi tập đoàn này và chủ nợ tìm ra hướng giải quyết. Tính đến thứ 6 tuần trước, 44 con tàu của Hanjin đã bị từ chối khi cập cảng trên khắp thế giới và 1 tàu bị bắt giữ.
Doanh nghiệp nào sẽ "ngồi trên đống lửa"?
Hanjin Shipping Global, hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 7 thế giới, là một trong những hãng tàu đầu tiên bỏ vốn vào thị trường cảng biển Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt sử dụng dịch vụ của hãng tàu này. Hanjin cũng có nhiều hoạt động tại Việt Nam trong những năm qua.
Hanjin thường được doanh nghiệ Việt Nam trong các ngành thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… thuê vận chuyển hàng hóa đến các thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp trong những ngành này có thể sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi mức cước phí của một số tuyến đường biển sẽ tăng do thiếu tàu, những đơn hàng đã đặt Hanjin sẽ phải chuyển sang hãng khác, giá có thể cao hơn.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam (VLA), cho biết hiện có khoảng 5.000 container hàng hóa của các doanh doah nghiệp Việt Nam thuê Hanjin vận chuyển. Do đó, việc hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc này đệ đơn phá sản sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt.
Nhiều doanh nghiệp logistics cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng do vận chuyển hàng thuê cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong trường hợp Hanjin phá sản, việc đòi bồi thường của doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo giới phân tích, những rắc rối của Hanjin cho thấy ngành vận tải biển thế giới vẫn đang ở trong trạng thái tồi tệ và chưa thể phục hồi sau khủng hoảng 2008. Tận dụng nguồn vốn vay giá rẻ, các công ty vận tải biển vẫn mở rộng bất chấp cước phí để chuyển mọi thứ. Các công ty cũng đã dùng đến nhiều biện pháp như cắt giảm chi phí hay M&A nhưng cũng không thể khiến tình hình khá hơn.
Vấn đề của ngành vận tải biển thế giới là có quá nhiều tàu trong khi có quá ít hoạt động thương mại. Thêm vào đó lượng đơn hàng mới tại các bãi tàu cũng ở mức thấp nhất trong 30 năm trở lại đây.
Trường hợp của Hanjin cũng cho thấy những rắc rối của ngành vận tải biển còn lan sang cả ngành ngân hàng, đặc biệt là ở châu Á – nơi mà các ngân hàng đã tăng cường cấp tín dụng cho các hãng tàu trong mấy năm gần đây.
Không chỉ đối với các tập đoàn vận tải biển toàn cầu, nguy cơ phá sản cũng là vấn đề hiện hữu đối với không ít các doanh nghiệp vận tải biển trong nước.
Ngành vận tải biển vốn đang gặp nhiều khó khăn sau một thời gian dài kinh tế toàn cầu trì trệ. Không chỉ có riêng Hanjin bị thua lỗ, sau vụ việc này, rất có thể hàng loạt hãng vận tải khác cũng sẽ theo Hanjin tuyên bố phá sản.
Đến nay, đã có ít nhất 2 công ty vận tải biển trong nước nộp thủ tục phá sản là Vinashinlines và Falcon (thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) . Có thể sẽ còn có thêm những doanh nghiệp khác đi theo vết xe đổ khi mà những khoản vay hàng nghìn tỷ để mua tàu giai đoạn 2007-2008 đến thời điểm đáo hạn.
07/09/2016 14:29 | TRƯỜNG ANH VNF